Kỹ thuật PARTO nút vỡ giãn tĩnh mạch dạ dày cứu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu nguy kịch
(Cập nhật: 9/2/2023)
Mời đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực giành lại sự sống cho một trường hợp xuất huyết tiêu hoá nặng nề do vỡ giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày, nôn hơn 300ml máu. Bệnh nhân được điều trị thành công bằng kỹ thuật PARTO nút búi giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày, mang lại niềm hạnh phúc cho người bệnh và gia đình.
Bệnh nhân N.C.H (61 tuổi) trú tại xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Bệnh nhân ở nhà bất ngờ nôn nhiều máu (gần 300ml), đau âm ỉ vùng thượng vị, nóng rát sau xương ức, đại tiện phân đen được nội soi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả phát hiện giãn tĩnh mạch phình vị, được truyền máu hồi sức và chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, da niêm mạc nhợt, có hội chứng thiếu máu, qua nội soi thấy dạ dày nhiều máu cục đọng ở phình vị và thân vị, tĩnh mạch phình vị đoạn sát tâm vị quan sát thấy giãn lớn, tĩnh mạch thực quản giãn độ 2. Chụp cắt lớp ổ bụng có hình ảnh giãn tĩnh mạch phình vị thận – shunt vị thận. Theo gia đình cho biết, bệnh nhân có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, viêm gan C.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày trên nền xơ gan. Hội chẩn cấp cứu giữa các khoa Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng hợp và Thăm dò chức năng đánh giá tình trạng bệnh nhân vô cùng nguy kịch, phải xử trí sớm nếu không sẽ chảy máu khó kiểm soát, đe doạ đến tính mạng. Phương pháp thắt búi giãn tĩnh mạch qua nội soi không khả thi do búi giãn quá lớn, nguy cơ tái phát cao, vì vậy sau khi hội chẩn các bác sĩ chỉ định can thiệp nội mạch nút búi giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày đi qua shunt vị thận bằng kỹ thuật PARTO.
Kíp can thiệp khoa Chẩn đoán hình ảnh tiến hành nút vỡ giãn tĩnh mạch dạ dày cho bệnh nhân H.
Kíp can thiệp khoa Chẩn đoán hình ảnh tiến hành gây tê tại chỗ và luồn vi ống thông từ tĩnh mạch đùi phải tiếp cận vùng tổn thương tại tĩnh mạch vị thận, tiếp tục đặt một dù chặn vào vị trí shunt vị thận, sau đó bơm vật liệu làm tắc búi giãn tĩnh mạch phình vị bằng spongel. Chụp kiểm tra thấy tắc hoàn toàn búi giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày, ổ chảy máu trong dạ dày bệnh nhân được giải quyết triệt để. Búi giãn tĩnh mạch bị lấp đầy bởi chất gây xơ hoá sau một thời gian sẽ giảm kích thước và xẹp dần. Đến nay, bệnh nhân sức khỏe ổn định, ăn uống bình thường, không nôn ra máu, đại tiện phân vàng.
“Tôi nôn ra cả vũng máu, tưởng lần này “gần đất xa trời”, không thể qua khỏi. Nhưng may mắn được các bác sĩ chữa trị kịp thời nên tình trạng sức khỏe của tôi giờ ổn hơn nhiều. Các bác sĩ điều trị cho tôi bằng phương pháp rất hiện đại, khi nằm trên bàn mổ tôi vẫn tỉnh táo, biết hết các bác sĩ đang làm gì nhưng không bị đau. Cảm ơn các y bác sĩ đã hết lòng vì người bệnh!”, bệnh nhân H. chia sẻ.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân H. sau can thiệp.
Kỹ thuật PARTO (Plug-assisted Retrograde Transvernous Obliteration) là một phương pháp điều trị vỡ giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày bằng cách sử dụng vật liệu nút mạch là dù kim loại, cho phép gây tắc mạch máu có khẩu kính lớn trong thời gian ngắn. Phương pháp này đã cải tiến và khắc phục được những nhược điểm trước đó của kỹ thuật BRTO (Balloon-occluded Retrograde Transvernous Obliteration). Do BRTO sử dụng bóng chèn để nút giãn tĩnh mạch ngược dòng, khi thực hiện kỹ thuật phải lưu bóng chẹn trong ống thông thời gian dài (3 - 12 giờ), gây nhiều nguy cơ: chảy máu nhiễm trùng, vỡ bóng và bất tiện cho người bệnh. Vì vậy, PARTO hiện được coi là kỹ thuật lựa chọn đầu tay để điều trị xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch phình vị có shunt vị thận với tỷ lệ thành công cao.
Kỹ thuật PARTO đã và đang được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới với nhiều ưu điểm vượt trội, kết quả điều trị tốt, an toàn và ít biến chứng. Phương pháp này không chỉ mới ở các đơn vị y tế tuyến tỉnh mà còn nhiều bệnh viện tuyến trên. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đi đầu triển khai kỹ thuật PARTO từ năm 2020.
Hình ảnh vỡ giãn tĩnh mạch dạ dày được nút mạch bằng kỹ thuật PARTO.
Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân H. xuất huyết tiêu hóa nặng nề, nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch, phải truyền máu hồi sức. Chúng tôi hội chẩn đánh giá kỹ thuật PARTO nút búi giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày là phương pháp sống còn với bệnh nhân, cần phải thực hiện ngay để kịp thời ngăn chảy máu, hạn chế tái phát. Các phương pháp điều trị vỡ giãn mạch phình vị dạ dày trước đây, như: nội soi thắt búi giãn và tiêm xơ, đều là phương pháp xâm lấn, hiệu quả điều trị thấp, nguy cơ tái xuất huyết cao do búi giãn không được xử trí triệt để, nếu tiếp tục vỡ sẽ khó kiểm soát mất nhiều máu gây tử vong. Kỹ thuật PARTO ra đời đã mang đến cơ hội điều trị tối ưu hơn cho người bệnh. Việc sử dụng vật liệu và công nghệ hiện đại giúp tổn thương chảy máu do vỡ búi giãn mạch sẽ bị làm tắc, sau đó xẹp dần, đặc biệt ứng dụng hiệu quả cả với trường hợp đang chảy máu với khẩu kính lớn, đảm bảo hiệu quả và an toàn, thời gian ca thiệp ngắn, phục hồi nhanh, giảm tỷ lệ tử vong.
Cùng với bệnh nhân H, đến nay khoa Chẩn đoán hình ảnh chúng tôi đã thực hiện nút giãn tĩnh mạch dạ dày, thực quản thành công cho hàng chục bệnh nhân với kết quả tốt, hồi phục nhanh, biến chứng thấp, đặc biệt là nhiều ca khó, phức tạp với mức độ xuất huyết tiêu hóa nặng nề vẫn được cứu sống kịp thời”.
Sau nhiều năm được đào tạo bài bản, thường xuyên và liên tục từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện quang can thiệp của cả nước, đến nay, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh đã tự tin, vững vàng làm chủ và triển khai thường quy hầu hết kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn khó, chuyên sâu tuyến trung ương, trong đó có kỹ thuật PARTO, qua đó mang lại kết quả điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị y tế hạng I tuyến cuối tỉnh, đồng thời giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao ngay tại tỉnh nhà mà không phải lên tuyến trung ương, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí./.
Giãn tĩnh mạch dạ dày là một trong những nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa và cũng là một trong những biến chứng nặng của xơ gan. Xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch dạ dày ít gặp hơn so với vỡ giãn tĩnh mạch thực quản (tần suất khoảng 15%), nhưng khi chảy máu xảy ra sẽ gây hậu quả nặng nề và lưu lượng máu cần truyền là rất nhiều, tỷ lệ tử vong cao (lên đến 55%) và nguy cơ tái xuất huyết cũng cao hơn. Đối với những người có tiền sử bệnh cần phải được điều trị dự phòng để giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch dạ dày, thực quản. Khi bất ngờ nôn ra máu cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có đủ năng lực để được cấp cứu cầm máu và điều trị kịp thời. |
Phòng TT&HCQT
(Lượt đọc: 932)
Tin tức liên quan
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã liên thông hơn 120 hồ sơ dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe
- Phẫu thuật thành công ca xuất huyết não nặng nề do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch não
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận sinh viên thực tập tốt nghiệp
- Chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023): BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH VỮNG BƯỚC DƯỚI LÁ CỜ VẺ VANG CỦA ĐẢNG
- Đột ngột sút cân, sốt kéo dài, bệnh nhân bất ngờ phát hiện áp xe gan
- Hội nghị đánh giá công tác hỗ trợ toàn diện TTYT huyện Đầm Hà và phương hướng năm 2023
- Phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
- Nội soi gắp dị vật tăm nhọn xuyên thủng ruột
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khai xuân Quý Mão 2023 với niềm tiên và thắng lợi mới
- Xuyên Tết phẫu thuật cứu sống bệnh nhân vỡ u gan thoát ''cửa tử''
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều