PHẪU THUẬT NỐI ĐỘNG MẠCH TRONG – NGOÀI SỌ
(Cập nhật: 26/6/2022)
PHẪU THUẬT NỐI ĐỘNG MẠCH TRONG – NGOÀI SỌ
I. ĐẠI CƯƠNG
Kỹ thuật mổ vi phẫu bắc cầu động mạch trong và ngoài sọ là phẫu thuật tạo đường thông nối giữa động mạch thái dương nông, hoặc động mạch cảnh ngoài với động mạch não giữa. Phẫu thuật này được chỉ định trong các bệnh lý tắc nghẽn động mạch cảnh trong đưa đến giảm áp lực tưới máu não: bệnh lý moyamoya, tắc động mạch cảnh trong, hẹp động mạch não do xơ vữa, hoặc những bệnh lý cần phải thắt động mạch cảnh trong: túi phình khổng lồ, u sàn sọ. Ngày nay mặc dù có nhiều những tiến bộ trong can thiệp nội mạch thần kinh, cũng như kỹ thuật mổ vi phẫu trong điều trị bệnh lý mạch máu não và bệnh lý u sàn sọ, nhưng vẫn chưa điều trị hiệu quả được một số bệnh cảnh đã mô tả trên, nên việc áp dụng kỹ thuật mổ bắc cầu động mạch là phương pháp điều trị được cho là thích hợp và có hiệu quả. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kiến thức về các loại bệnh lý trên, và phải thuần thục kỹ thuật mổ vi phẫu nối mạch máu não. Với những phương tiện chẩn đoán hình ảnh ngày càng hiện đại như chụp mạch máu xóa nền bằng kỹ thuật số, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, cắt lớp vi tính đa lát cắt có tái tạo mạch máu não, cộng hưởng từ có tái tạo mạch máu não, xạ hình đánh giá tưới máu não có diamox test giúp việc chẩn đoán chính xác tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu não, cũng như đánh giá được tình trạng thiếu máu não trầm trọng và mất khả năng bù trừ, nhằm chọn lựa bệnh nhân và chỉ định một cách đầy đủ và chính xác trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên theo các tài liệu đã tham khảo trong và ngoài nước, mặc dù phương pháp này được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng hiện nay ở nước ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về chẩn đoán và điều trị phẫu thuật bắc cầu động mạch não đối với bệnh lý moyamoya.
Bệnh moyamoya là một bệnh tắc nghẽn mạch máu não mãn tính tiến triển liên quan đến hẹp hoặc tắc đoạn cuối của động mạch cảnh trong hai bên, chổ chia đôi phần gần của động mạch não trước và động mạch não giữa. Bệnh moyamoya cũng được đặc trưng bởi sự hình thành thứ phát các bất thường các mạng động mạch xuyên, được gọi là mạch máu moyamoya, gần các khu vực tương ứng với tắc nghẽn hoặc hẹp của động mạch đậu vân và động mạch xuyên đồi thị. Sự tăng sinh quá mức của những mạch máu nhỏ tạo ra hình ảnh của một "làn khói" mờ được đặt tên "moyamoya" theo tiếng Nhật. Bệnh moyamoya cũng được gọi là "sự giảm sản hai bên của động mạch cảnh trong, hoặc phổ biến hơn là sự tắc nghẽn tự phát của đa giác Willis
II. CHỈ ĐỊNH
- Bệnh lý Moyamoya
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
+ Bác sĩ: hai bác sĩ: một phẫu thuật viên chính, một bác sĩ phụ
+ Điều dưỡng: hai điều dưỡng: một điều dưỡng chuẩn bị bàn dụng cụ và
phục vụ dụng cụ cho phẫu thuật viên, một điều dưỡng chạy ngoài phục vụ dụng
cụ cho điều dưỡng kia.
+ Một kỹ thuật viên chuẩn bị máy
2. Phương tiện
+ Bộ dụng cụ mở sọ thông thường: dao, khoan sọ, cưa sọ, kéo, panh, phẫu
tích có răng và không răng, kìm mang kim, máy hút, dao điện, đốt điện lưỡng
cực.
+ Bộ dụng cụ mổ vi phẫu mạch máu não gồm: kéo, buld, spatuyn, kìm
mang clip, kìm mang kim và phẫu tích vi phẫu.
+ Khung cố định đầu Mayfield
+ Bộ dụng cụ vén não
+ Kính vi phẫu thuật.
+ Vật tư tiêu hao gồm: 100 gạc con, 20 gói bông sọ, 2 sợi chỉ prolene 4.0,
2 sợi chỉ Vicryl 2.0, 1 gói surgicel, 1 gói spongel, 1 gói sáp sọ, một bộ dây
truyền dịch để làm dẫn lưu, 2-4 clip mạch máu cho khối dị dạng.
+ Hệ thống neuronavigation
3. Người bệnh
Được cạo tóc, vệ sinh sạch sẽ.
4. Hồ sơ bệnh án
Đầy đủ phần hành chính, Phần chuyên môn cụ thể, đủ về triệu chứng,
diễn biến, tiền sử, các cách đã điều trị đã thực hiện, các xét nghiệm, giải thích rõ
cho gia đình và có viết cam kết mổ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ: 10 phút đảm bảo đủ các đề mục
2. Kiểm tra người bệnh: kiểm tra đúng tên tuổi, công tác chuẩn bị mổ: 5 phút
3. Thực hiện kỹ thuật: 180 phút
- Sau khi gây mê, bệnh nhân nằm sấp, đầu người bệnh được cố định trên khung Mayfield, mở sọ theo vị trí đã xác định.
- Mở màng cứng, đặt dụng cụ vén não, đặt kính vi phẫu.
- Hút dịch não tủy để mở rộng trường mổ
- Bóc tách tìm vị trí tổn thương cua mạch máu
- Xác định điểm trên và dưới của tổn thương
- Lấy 1 đoạn mạch thái dương nông
- Ghép động mạch thái dương nông vừa lấy vào vị trí mạch não tổn thương
- Cầm máu bằng surgisel và bipolar.
- Khâu tạo hình màng cứng
- Đặt lại nắp xương sọ, cố định xương sọ, và khâu da đầu một lớp.
VI. THEO DÕI
- Tình trạng toàn thân: Thở, mạch, huyết áp.
- Tình trạng thần kinh: tri giác, dấu hiệu thần kinh khu trú.
- Chảy máu vết mổ.
- Dẫn lưu sọ.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
1. Phù não: Hồi sức và điều trị nội khoa.
2. Chảy máu sau mổ: Mổ lại để cầm máu.
3. Thiếu máu não: Tăng cường tuần hoàn não.
(Lượt đọc: 957)
Tin tức liên quan
- PHẪU THUẬT U NÃO THỂ HANG THÂN NÃO
- PHẪU THUẬT U NÃO THỂ HANG TIÊU NÃO
- PHẪU THUẬT U NÃO THỂ HANG ĐẠI NÃO
- PHẪU THUẬT DỊ DẠNG ĐỘNG MẠCH TĨNH MẠCH NÃO
- PHẪU THUẬT THOÁT VỊ TỦY MÀNG TỦY
- PHẪU THUẬT THOÁT VỊ NÃO MÀNG NÃO VÒM SỌ
- PHẪU THUẬT DỊ DẠNG CỔ CHẨM
- PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HỘP SỌ TRONG HẸP HỘP SỌ
- PHẪU THUẬT SINH THIẾT TỔN THƯƠNG Ở NỀN SỌ BẰNG ĐƯỜNG QUAN KHOANG MŨI HOẶC MIỆNG
- PHẪU THUẬT SINH THIẾT TỔN THƯƠNG NỘI SỌ CÓ DÙNG ĐỊNH VỊ DẪN ĐƯỜNG
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều