THANG ĐÁNH GIÁ TRẦM CẢM HAMILTON (HAMILTON DEPRESSION RATING SCALE – HDRS)
(Cập nhật: 24/6/2022)
THANG ĐÁNH GIÁ TRẦM CẢM HAMILTON (HAMILTON DEPRESSION RATING SCALE – HDRS)
1. ĐẠI CƯƠNG
Đây là một trong những thang đánh giá trầm cảm được hình thành sớm nhất vào khoảng năm 1960, thang này thường được sử dụng để đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân trầm cảm. Thang khảo sát trầm cảm Hamilton còn được gọi là thang phỏng vấn có cấu trúc hoặc thang lượng giá.
HAM - D là một thang đánh giá trầm cảm được sử dụng rộng rãi nhất trong các thử nghiệm lâm sàng về trầm cảm để đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân trầm cảm. HAM - D gốc gồm có 21 mục nhưng Hamilton đã chỉ ra 4 mục cuối của thang là sự thay đổi trong ngày (diurnal variation), giải thể nhân cách/ tri giác sai thực tại (depersonalization/derealization), các triệu chứng paranoid và các triệu chứng ám ảnh cưỡng bức (Obsessive /Compulsive Symptoms) không nên được tính điểm vào thang điểm tổng cộng vì những nhóm triệu chứng này không phải là những triệu chứng thường gặp của trầm cảm và cũng không phản ánh được mức độ nặng của trầm cảm. Vì vậy, sau đó tác giả đã đưa ra một thang HAM - D 17 mục, thang này ngay sau đó được xem là một thang chuẩn trong các thử nghiệm lâm sàng và được sử dụng rộng rãi nhất trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.
Bagby RM trong một tổng kết trên 70 nghiên cứu về thang HAM - D được xuất bản từ năm 1979 nhận thấy đa số các mục của thang này đều có độ tin cậy cao. Độ tin cậy khi làm lại trắc nghiệm (test - retest realibility)của HAD - M theo nhiêù tác giả khoảng 0.81 và hiệu lực của thang này là 0.65 - 0.9.
2. CHỈ ĐỊNH
- Bệnh nhân rối loạn trầm cảm.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Bệnh nhân loạn thần.
4. CHUẨN BỊ
- Bộ các câu hỏi trắc nghiệm, bộ xử lý kết quả, bút, giấy trắng, máy tính, máy in.
5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Cán bộ tâm lý phỏng vấn bệnh nhân trên cấu trúc đề mục có sẵn, lựa chọn một chỉ số điểm phù hợp với mức độ triệu chứng bệnh của bệnh nhân.
Tổng điểm được tính bằng tổng các chỉ số điểm từng mục.
Mức độ đánh giá:
Không có trầm cảm: 0 – 7 điểm;
Trầm cảm nhẹ: 8 – 13 điểm;
Trầm cảm vừa: 14 – 18 điểm;
Trầm cảm nặng: 19 – 22 điểm;
Trầm cảm rất nặng: ≥ 23 điểm.
6. THEO DÕI
- Theo dõi đánh giá sau những đợt điều trị ngắn hạn và dài hạn.
- Theo dõi đánh giá kết quả điều trị.
7. TAI BIẾN VÀ CÁCH XỬ TRÍ
- Chưa thấy báo cáo tai biến và cách xử trí trong y văn
8. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hedlund JL, Viewig BW (1979) The Hamilton rating scale for depression: a comprehensive review. Journal of Operational Psychiatry 10:149-165
- Hamilton, M (1960) A rating scale for depression. Journal of Neurology, Neurosurgery and Psychiatry. 23: 56-62.
Phụ lục: Bộ câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1 - Khí sắc trầm (thái độ rầu rĩ, bi quan về tương lai, có cảm giác buồn bã, khóc lóc)
0. Không có triệu chứng khí sắc buồn
1. Có cảm giác buồn hoặc lo lắng nhất thời, không có dấu hiệu trầm cảm rõ rệt
2. Tỏ ra buồn, thấy đau khổ, bi quan, thỉnh thoảng khóc lóc, hoạt động sút kém
3. Có dấu hiệu cơ thể của trầm cảm: chậm chạp hoặc có chút kích động, cảm giác tuyệt vọng
4. Trầm cảm nặng với các dấu hiệu: hoang tưởng liên quan đến cái chết, tự sát. Bất động hoặc kích động.
Câu 2 - Cảm giác tội lỗi
0. Không có cảm giác tội lỗi
1. Có một số hối hận nhỏ về hành vi đã qua. Có xu hướng tự buộc tội mình về những chuyện lặt vặt
2. Cảm giác tội lỗi nghiền ngẫm, tự cố trách mình vì những sai lầm hoặc hành vi tội lỗi
3. Tin rằng mình bị bệnh là do bị trừng phạt, hoang tưởng bị buộc tội. Thường nghĩ rằng mình bị tội nặng, bị trừng phạt
4. Có ảo giác bị buộc tội (có ảo thanh buộc tội hoặc tố cáo, có ảo thị đe dọa)
Câu 3 - Tự sát
0. Không có
1. Cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa
2. Có ý tưởng tự sát thoáng qua. Coi tự sát là một giải pháp tốt
3. Có ý tưởng tự sát rõ rệt. Đã có dự định tự sát
4. Có kế hoạch và chuẩn bị tự sát
Câu 4 - Mất ngủ - giai đoạn đầu (khó đi vào giấc ngủ)
0. Không có dấu hiệu
1. Đôi khi
2. Thường xuyên
Câu 5 - Mất ngủ - giai đoạn giữa (than phiền bị quấy rầy và có cảm giác bồn chồn suốt đêm. Tỉnh giấc trong đêm)
0. Không có
1. Đôi khi
2. Thường xuyên
Câu 6 - Mất ngủ - Giai đoạn cuối (thức dậy sớm hơn nhiều giờ vào buổi sángvà không thể ngủ lại được)
0. Không có
1. Đôi khi
2. Thường xuyên
Câu 7 - Công việc và hoạt động
0. Làm việc và hoạt động bình thường
1. Kém nhiệt tình, dè dặt, thụ động, dễ chán nản. Có ý nghĩ về cảm giác bất lực liên quan đến hoạt động.
2. Mất hứng thú vào các sở thích, giảm các hoạt động xã hội
3. Giảm hiệu quả công việc
4. Không thể làm việc được. Bỏ việc chỉ vì bệnh hiện tại
Câu 8 - Chậm chạp (chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, hoạt động, lãnh đạm, sững sờ)
0. Không có biểu hiện chậm chạp
1. Có một chút chậm chạp trong lúc khám
2. Rất chậm chạp trong lúc khám
3. Hoàn toàn sững sờ
Câu 9 - Kích động (cảm giác bồn chồn kết hợp với lo âu)
0. Không có
1. Đôi khi
2. Thường xuyên
Câu 10 - Lo âu (triệu chứng tâm lý)
0. Không có
1. Căng thẳng, cáu gắt
2. Lo lắng về những điều nhỏ nhặt
3. Thường xuyên lo lắng, bứt rứt
4. Hoảng sợ
Câu 11 - Lo âu (triệu chứng cơ thể: khó tiêu, tim đập nhanh, đau đầu, khó thở)
0. Không có
1. Có triệu chứng nhẹ
2. Triệu chứng rõ rệt
3. Triệu chứng nghiêm trọng
4. Mất khả năng làm việc
Câu 12 - Triệu chứng cơ thể - dạ dày và ruột (mất sự ngon miệng, cảm giác nặng bụng, táo bón)
0. Không có
1. Có triệu chứng nhẹ
2. Triệu chứng nghiêm trọng
Câu 13 - Triệu chứng cơ thể chung (cảm giác nặng nề ở chân tay, lưng hay đầu, đau lưng lan tỏa, bất lực và mệt nhọc)
0. Không có
1. Triệu chứng nhẹ
2. Triệu chứng rõ rệt
Câu 14 - Triệu chứng sinh dục (mất hứng thú tình dục, rối loạn kinh nguyệt)
0. Không có
1. Triệu chứng nhẹ
2. Triệu chứng rõ rệt
Câu 15 - Nghi ngờ mắc bệnh
0. Không có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh
1. Quá quan tâm đến cơ thể
2. Quá quan tâm đến sức khỏe
3. Phàn nàn nhiều về sức khỏe
4. Có hoang tưởng nghi bệnh
Câu 16 - Sút cân
0. Không bị sút cân
1. Sút cân nhẹ
2. Sút cân nhiều hoặc trầm trọng
Câu 17 - Nhận thức (được đánh giá qua trình độ và nền văn hóa của người bệnh)
0. Không mất nhận thức
1. Mất một phần nhận thức hay nhận thức không rõ ràng
2. Mất nhận thức
Câu 18 (không tính điểm) - Thay đổi trong ngày và đêm (triệu chứng xấu hơn về buổi sáng hoặc buổi tối)
A. Không có sự thay đổi
B. Có chút thay đổi: sáng - tối
C Có sự thay đổi rõ rệt: sáng - tối
Câu 19 (không tính điểm) - Giải thể nhân cách - tri giác sai sự thật (cảm giác không có thực, có ý tưởng hư vô)
A. Không có dấu hiệu
B. Triệu chứng nhẹ
C. Triệu chứng rõ rệt
D. Triệu chứng trầm trọng, bất lực
Câu 20 (không tính điểm) - Các triệu chứng Paranoid gồm hoang tưởng, ảo giác
A. Không có dấu hiệu
B. Nghi ngờ những người xung quanh làm hại mình
C. Có ý tưởng liên hệ
D. Có hoang tưởng liên hệ và hoang tưởng bị hại
E. Có ảo giác, bị hại
Câu 21 (không tính điểm) - Triệu chứng ám ảnh cưỡng chế (những ý nghĩ ám ảnh cưỡng chế chống lại những gì người bệnh đang cố gắng loại bỏ)
A. Không có dấu hiệu
B. Triệu chứng nhẹ
C. Triệu chứng rõ rệt
(Lượt đọc: 2086)
Tin tức liên quan
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều