BỆNH ĐỘNG MẠCH MẠC TREO
(Cập nhật: 2/12/2022)
BỆNH ĐỘNG MẠCH MẠC TREO
1. ĐỊNH NGHĨA
Bệnh động mạch mạc treo (ĐMMT) là tổn thương hẹp hoặc tắc động mạch mạc treo
tràng trên gây thiếu máu ruột non. Trong phần này, tắc động mạch thân tạng dẫn đến
thiếu máu ruột cũng được coi như bệnh lý động mạch mạc treo về cách tiếp cận chẩn
đoán và xử trí. Về mặt cơ chế bệnh sinh, bệnh ĐMMT chia thành 2 loại: tắc ĐMMT
cấp và tắc ĐMMT mạn.
2. BỆNH ĐỘNG MẠCH MẠC TREO CẤP TÍNH
2.1. Triệu chứng lâm sàng:
Tắc ĐMMT cấp tính do huyết khối phần lớn là tắc ĐMMT tràng trên. Do hệ thống
tuần hoàn mạc treo phong phú từ động mạch thân tạng hoặc ĐMMT tràng dưới, tắc
ĐMMT tràng trên thường gây nhồi máu ruột. Ở hầu hết các nghiên cứu cho thấy
nguyên nhân gây tắc ĐMMT là do thuyên tắc, do huyết khối từ tim hoặc động mạch
chủ bắn đến hơn là huyết khối tại chỗ. Một tỷ lệ nhỏ là do bệnh tách thành ĐMMT
tiên phát gây tắc huyết khối. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào 2 yếu tố: thời gian
tắc mạch (thời gian tắc mạch càng lâu > 6 giờ thì tình trạng hoại tử càng nhiều) và
biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Hầu hết 80% bệnh nhân có đặc điểm của các triệu
chứng sau:
- Đau bụng dữ dội với thăm khám lâm sàng hầu như bình thường
- Thăm trực tràng rỗng (thường biểu hiện cả hai: nôn và tiêu chảy)
- Nguyên nhân của huyết khối (như rung nhĩ).
Các nguyên nhân của tắc động mạch mạc treo cấp tính bao gồm: do thuyên tắc mạch
(rung nhĩ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn…), do huyết khối trên nền hẹp khít lỗ vào
ĐMMT hoặc do lóc tách động mạch mạc treo tràng trên, kèm hoặc không kèm có
các yếu tố nguy cơ nặng thêm tình trạng thiếu máu ruột như mất dịch, suy tim cung
lượng thấp hoặc tình trạng tăng đông.
2.2. Thăm dò cận lâm sàng:
2.2.1. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu
Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao là cận lâm sàng quan trọng để chẩn đoán thiếu
máu mạc treo cấp tính. Độ nhạy và độ đặc hiệu của CLVT trong chẩn đoán tắc
ĐMMT cấp tính là 94% và 95%. Ngoài ra, phim CLVT thì tĩnh mạch có thể phát
hiện thành ruột mỏng, giãn, viêm ruột hoại tử, khí trong tĩnh mạch cửa hoặc cổ
trướng.
Có thể gặp suy thận tiến triển sau chụp CLVT, tuy nhiên tình trạng suy thận không
phải là chống chỉ định của CLVT khi nghi ngờ tắc ĐMMT cấp tính.
2.2.2. Chụp XQ bụng không chuẩn bị
Chụp X-quang bụng không chuẩn bị là không đặc hiệu và không loại trừ chẩn đoán
nếu bình thường. Các tổn thương có thể quan sát thấy trên phim thường ở giai đoạn
muộn: viêm phúc mạc do hoại tử ruột: quai ruột giãn, bụng chướng, liềm hơi dưới
cơ hoành…
2.2.3. Xét nghiệm máu
Không có một marker nào trong huyết thanh đặc hiệu đủ tin cậy để chuẩn đoán thiếu
máu ruột. Mặc dù D-dimer có độ nhạy cao (96%), nhưng độ đặc hiệu thấp (40%).
Giá trị D-dimer âm tính ở bệnh nhân đau bụng gợi ý loại trừ tắc mạch mạc treo.
Lactat máu có thể tăng khi tình trạng hoại tử ruột phát triển
2.2.4. Thăm dò khác
Siêu âm mạch máu hoặc chụp DSA có thể có vai trò hỗ trợ chẩn đoán khi cần thiết.
2.3. Điều trị
Hầu hết bệnh nhân có tắc mạch mạc treo cấp tính cần được chỉ định tái thông mạch
ngay lập tức để cứu sống bệnh nhân. Gần 20-30% bệnh nhân có thể hồi phục sau tái
thông mạch ruột, đặc biệt là huyết khối đoạn xa. Việc tái thông mạch mạc treo trước
hay phẫu thuật cắt ruột hoại tử nên làm đầu tiên vẫn còn là tranh luận. Các dữ liệu
cho thấy, tái thông mạch nên được chỉ định đầu tiên trừ khi bệnh nhân bị viêm phúc
mạc hoặc sốc nhiễm trùng.
Can thiệp qua đường ống thông (hút huyết khối, nong bóng, đặt stent…) nên được
lựa chọn ưu tiên ở bệnh nhân tắc động mạch mạc treo tràng trên cấp. Trong trường
hợp huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch, phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch
đều có hiệu quả nhưng can thiệp nội mạch có thể tiến hành được nhanh hơn, tỉ lệ tử
vong thấp hơn và tỉ lệ phải cắt ruột thấp hơn. Biện pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết tại
chỗ qua con đường nội mạch cũng có thể áp dụng với kết quả tốt và tỉ lệ biến chứng
chảy máu nặng thấp.
3. BỆNH ĐỘNG MẠCH MẠC TREO MẠN TÍNH
Bệnh ĐMMT mạn tính bao gồm hẹp hoặc tắc động mạch thân tạng hoặc ĐMMT
tràng trên. Tỉ lệ bệnh tăng theo tuổi, đặc biệt khi có biểu hiện của các bệnh lí do xơ
vữa khác hoặc phình động mạch chủ bụng.
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng của BĐMMT mạn tính là đau bụng sau ăn, sụt cân, tiêu chảy
hoặc táo bón. Để giảm đau, bệnh nhân thường tránh ăn mặc dù bệnh nhân ăn vẫn
ngon miệng, khác với bệnh lí ác tính. Cũng như BĐMMT cấp tính, triệu chứng lâm
sàng là triệu chứng quan trọng để chẩn đoán sớm và có thể cứu sống bệnh nhân.
Khám bụng có thể phát hiện tiếng thổi ở bụng. Các xét nghiệm không đặc hiệu bao
gồm: thiếu máu, bất thường điện giải, giảm albumin máu thứ phát do suy dinh dưỡng.
3.2. Thăm dò cận lâm sàng
3.2.1. Siêu âm Doppler mạch máu
Đây là công cụ chẩn đoán được lựa chọn đầu tiên. Siêu âm mạch máu yêu cầu có bác
sĩ siêu âm mạch máu có kĩ năng tốt và nên được thực hiện tại các trung tâm có kinh
nghiệm.
3.2.2. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu
Khi chẩn đoán BĐMMT mạn tính, đánh giá bản đồ tổn thương là cần thiết và hầu
hết sử dụng CLVT. Không có nghiên cứu nào so sánh CLVT với CHT hoặc DSA về
lợi ích đánh giá tổn thương.
3.3. Điều trị
- Bệnh nhân BĐMMT có triệu chứng, không trì hoãn can thiệp tái thông mạch để
cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Trì hoãn tái thông mạch có thể làm xấu thêm tình
trạng lâm sàng, dẫn đến nhồi máu ruột, sốc nhiễm khuẩn liên quan đến catheter
truyền dinh dưỡng.
- Không có chỉ định can thiệp tái thông mạch dự phòng ở bệnh nhân không có triệu
chứng.
- Hầu hết các trung tâm lớn, chụp động mạch mạc treo qua da và đặt stent là phương
pháp lựa chọn đầu tiên. Phẫu thuật cứu vãn khi can thiệp nội mạch thất bại. Các
dữ liệu từ Hoa Kì cho thấy tỉ lệ tử vong sau can thiệp nội mạch thấp hơn [OR 0.20
(95% CI 0.17–0.24)]. Do thiếu các nghiên cứu đa trung tâm nên không thể hướng
dẫn phẫu thuật hay can thiệp nội mạch là phương pháp nên được ưu tiên. Cả hai
phương pháp nên được thảo luận trong từng trường hợp cụ thể để đưa ra lựa chọn
phù hợp.
- Mặc dù can thiệp nội mạch được sử dụng ngày càng tăng, phẫu thuật vẫn còn
được chỉ định cho một số trường hợp sau: sau khi thất bại với can thiệp nội mạch
mà không có khả năng tái thông mạch nội mạch lại; Tắc trên đoạn dài, mạch vôi
hóa hoặc khó khăn về mặt kĩ thuật, hoặc bệnh nhân trẻ có tổn thương không xơ
vữa do viêm mạch…
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch ngoại biên – Bộ Y Tế
(Lượt đọc: 981)
Tin tức liên quan
- BỆNH LÝ ĐỘNG MẠCH THẬN
- BỆNH ĐỘNG MẠCH CHI DƯỚI MẠN TÍNH
- TẮC ĐỘNG MẠCH CHI DƯỚI CẤP TÍNH
- BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH DO XƠ VỮA
- BỆNH ĐỘNG MẠCH ĐỐT SỐNG
- Chẩn đoán và điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ THUYÊN TẮC PHỔI
- CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP
- CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY TIM MẠN TÍNH
- CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP CÓ ST CHÊNH LÊN
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều